CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ TP. HỒ CHÍ MINH
banner

Những 'chiến sĩ' thầm lặng

04/04/2020

TTO - Mọi người được khuyến cáo ở trong nhà. Thế nhưng những công nhân thu gom rác là người phải ra đường dọn hàng ngàn tấn rác, trong đó có rác thải y tế nguy hại từ các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thải ra.


Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM thu gom rác thải tại khu cách ly ĐHQG TP.HCM - Ảnh: THANH TUẤN

Các y bác sĩ là người trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 thì những công nhân thu gom rác tại các khu vực cách ly, bệnh viện có thể ví như những "chiến binh" lặng lẽ dọn dẹp vệ sinh nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh. 

Họ được ví là những người tuyến cuối trong công tác phòng dịch.

Xử lý hàng chục ngàn tấn rác mỗi ngày

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, hiện có 45 khu cách ly tập trung cấp thành phố và quận huyện. Rác thải từ các khu cách ly được đánh giá là loại rác nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm. 

Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị Sở Y tế hướng dẫn các quận huyện cách lưu giữ trong lúc đợi thu gom. Đồng thời, hai sở này sẽ phối hợp hướng dẫn và chuyển giao cho phía Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM thu gom toàn bộ rác thải tại các khu cách ly trên địa bàn thành phố.

Để hiểu rõ hơn về công việc này, Tuổi Trẻ đã tìm gặp các công nhân trực tiếp tham gia thu gom rác từ các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. 

Còn mướt mồ hôi sau khi hoàn thành chuyến thu gom thứ 3 trong ngày 2-4, anh Trần Văn Điệp, lái xe thuộc đội xử lý rác thải y tế, chia sẻ hôm nay các anh em phải đi từ 4h sáng mới kịp thu gom hết rác tại các điểm được phân công.

Theo anh Điệp, hiện nay anh em trong đội đã quen việc thu gom loại rác đặc biệt này. Những ngày đầu khi thành phố thành lập các điểm cách ly, điều trị dịch COVID-19, anh em tham gia thu gom cũng lo lắng vì việc lây lan dịch rất dễ xảy ra. 

Đặc biệt, anh em lại phải tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng, rác thải, dụng cụ y tế điều trị cho người bệnh nên sợ bị nhiễm bệnh lúc nào không hay.

"Phía công ty cũng động viên anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đồng hành với thành phố trong công tác chống dịch nên mọi người cũng nỗ lực hơn. 

Khi đi làm thì công ty phát đồ bảo hộ cho anh em gồm ủng, đồ phòng dịch, găng tay, kính, mũ che. Trước đó, anh em cũng đã được tập huấn phòng dịch, lãnh đạo thường xuyên hỏi thăm, nhắc nhở nên anh em cũng vững lòng hơn để làm việc", anh Điệp nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Sơn, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết toàn bộ rác thải tại các khu cách ly sẽ được đem đi đốt hoàn toàn. 

Rác được đưa về hai địa điểm ở Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) và Đông Thạnh (H.Hóc Môn) để đốt ngay. "Cán bộ nhân viên tham gia thu gom rác đã được trang bị bảo hộ và tập huấn các kỹ năng chống dịch đầy đủ", ông Sơn chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Lộc, giám đốc chi nhánh dịch vụ môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cũng chia sẻ thêm số liệu mới nhất công ty thống kê được cho thấy lượng rác thải từ các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thải ra vào ngày 31-3 là hơn 22 tấn. 

Mỗi ngày, 50 công nhân thuộc đội xử lý rác thải y tế phải thay phiên nhau thu gom loại rác này khắp địa bàn thành phố và đưa về tiêu hủy. Các công nhân được yêu cầu thay đổi đồ bảo hộ sau mỗi chuyến thu gom, trước khi về nhà phải tắm rửa, khử trùng sạch sẽ để đảm bảo an toàn.

Giám sát kỹ rác thải khẩu trang

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết phía sở đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát kỹ, chặt chẽ đối với rác thải sinh hoạt có lẫn theo khẩu trang y tế đã qua sử dụng và rác thải tại các khu cách ly. 

Đối với khẩu trang sử dụng trong sinh hoạt thông thường của người dân sẽ được hướng dẫn xử lý, phân loại tại nơi phát sinh. Dù loại khẩu trang này ít có nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng vẫn phải được chú ý trong việc xử lý. Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị UBND 24 quận huyện hướng dẫn người dân phân loại, bỏ loại rác này đúng nơi quy định.

Trong quá trình thu gom vận chuyển rác, các quận huyện cần giám sát chặt, không để xảy ra trường hợp các tổ chức, cá nhân thu gom khẩu trang đã qua sử dụng để tái chế nhằm trục lợi bất chính. 

Tại cơ sở xử lý, chủ cơ sở phải đảm bảo toàn bộ số rác thải có chứa khẩu trang đã qua sử dụng phải được tiêu hủy, không để xảy ra trường hợp nhân viên, công nhân tại cơ sở thu gom khẩu trang đã qua sử dụng rồi vận chuyển ra ngoài. 

Tương tự, Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố cũng phải kiểm tra việc vận chuyển các phế phẩm từ xử lý rác ra khỏi nhà máy, tránh trường hợp nhân viên lén vận chuyển khẩu trang đã qua sử dụng ra ngoài.

Đối với khẩu trang thải ra từ các cơ sở y tế (không bao gồm các khu cách ly và các cơ sở được lựa chọn điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19) phải được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn hiện hành. 

Sở Tài nguyên và môi trường yêu cầu các cơ sở y tế bỏ rác thải là khẩu trang chung khu vực lưu giữ rác thải y tế trong lúc đợi thu gom để tránh lây lan, phát sinh mầm bệnh. Việc xử lý cũng phải được đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra trường hợp khẩu trang đã qua sử dụng được tuồn ra ngoài tái chế.

Theo LÊ PHAN

Tuổi Trẻ Online