CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ TP. HỒ CHÍ MINH
banner

Thầm lặng góp phần giữ gìn môi trường thành phố

20/10/2022

Là phụ nữ nhưng họ không ngại phải nhảy vào rác để kiểm đếm, lấy mẫu về soi rọi, phân, đo. Họ cũng chẳng sợ leo lên nóc nhà, chui vào ống khói để kiểm tra, quan trắc. Họ sẵn sàng đứng trước đám đông để truyền thông về rác và bảo vệ môi trường. Họ là các nữ kỹ sư, cử nhân đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM (CITENCO).

Xuống khu dân cư hướng dẫn dân phân loại rác 

Kể từ khi dự án phân loại rác thải tại nguồn được CITENCO triển khai thì chuyện đứng trước đám đông để hướng dẫn mọi người phân loại rác tại nguồn, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường vì rác thải nhựa… trở thành một phần công việc của chị Lê Thị Thanh Thùy - nữ kỹ sư 33 tuổi - thuộc Tổ Truyền thông và website.

Chị kể, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường, Trường đại học Tôn Đức Thắng, chị đầu quân về CITENCO và được phân công về công tác tại Phòng Kỹ thuật - Vật tư. Công việc khá thuận lợi, vì phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Nhưng sau đó, do yêu cầu của đơn vị, chị được điều động về Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng và công tác tại Tổ Truyền thông.

Là kỹ sư, chỉ quen với vật liệu, thí nghiệm, giờ phải đứng trước đám đông nói chuyện, rồi cùng nhóm lên kế hoạch cho những hoạt động truyền thông nên chị gặp không ít khó khăn. Để thích ứng, chị mày mò tự học chụp ảnh, viết tin, thiết kế phông sân khấu, pa-nô tuyên truyền… Nhưng càng học, chị càng bị cuốn hút vào lĩnh vực mới mẻ này. Nhờ vừa học vừa làm, lại thích thú nên chị Thùy tiến bộ không ngừng. 

Hiện tại, chị Lê Thị Thanh Thùy là Tổ trưởng Tổ Truyền thông. Cùng với năm đồng nghiệp của mình, chị trở nên chuyên nghiệp hơn trong công tác truyền thông cho các chương trình, sự kiện do CITENCO tổ chức cũng như phối hợp cùng các đơn vị bạn. Chị Thùy cho biết: “Điều may mắn với tôi là cả tổ truyền thông, ai cũng ham học hỏi, trách nhiệm, nên việc phối hợp rất thuận lợi. Các bạn không ngại ôm công việc về nhà, không ngại thứ Bảy, Chủ nhật… Hễ có việc là làm”.

Hiện chị Thùy cùng “đồng đội” đang ấp ủ nhiều dự định cho hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, cũng như cho các dự án, hoạt động của công ty. Họ đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành những dự định.

Từng nhiều lần thất bại 

Gắn bó với CITENCO đã hơn 8 năm nay, nữ kỹ sư sinh học Vũ Thị Hoài Nhơn - thuộc Tổ Công nghệ môi trường và Phòng Thí nghiệm - nhận thấy, mình may mắn khi luôn được ở bên những đồng đội mạnh. Chị nói: “Nếu công nhân vệ sinh là những người bảo vệ màu xanh một cách lặng thầm thì bộ phận nghiên cứu ở Tổ Công nghệ môi trường, Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của công ty chúng tôi còn lặng thầm hơn”. 

Tiếng là nghiên cứu nhưng công việc của tổ không hề nhẹ. Họ thường xuyên phải ra công trường, xuống nhà máy đốt rác, trạm thu gom rác thải… để quan sát, kiểm tra từng loại rác thải nhựa khó phân hủy, từng lớp bụi than, mùi hôi của nước đọng trong những túi rác… Thực tế ấy giúp các kỹ sư tìm ra giải pháp xử lý rác thải, khử khuẩn, mùi hôi và vệ sinh môi trường.

Tại phòng làm việc của Tổ Công nghệ môi trường, chị Nguyễn Thị Lệ - tổ trưởng và chị Hoài Nhơn vừa trở về từ công trường Đông Thạnh - nhà máy đốt rác thải y tế của CITENCO, cũng là nhà máy xử lý rác thải y tế độc hại của cả thành phố. Chị Hoài Nhơn mang những phiến đá màu đen được kết tinh từ bụi than của rác ra khoe: “Cả mấy tháng trời mới được cục bê tông ưng ý đó. Hôm qua chúng tôi mới gửi mẫu đi kiểm định. Nếu thành công, những bụi than từ lò đốt rác thải y tế độc hại ấy sẽ thành những viên đá lát đường cho các công trình, nhà máy của CITENCO. Nếu số lượng nhiều sẽ dùng làm vật liệu xây dựng cho nhiều công trình công ích khác…”.

Tổ trưởng Nguyễn Thị Lệ cho biết, tổ nghiên cứu cũng đã gặp nhiều thất bại, nhưng khi nghĩ đến hiệu quả dài lâu thì anh chị em vẫn quyết tâm làm. Những công việc âm thầm này không kém phần nặng nhọc vì cũng phải đối mặt với rác thải, nước thải, các loại hóa chất, nên nữ giới hạn chế tham gia. Thế nhưng, khi đã nhập cuộc thì các chị luôn hết mình, thậm chí còn là người khơi nguồn cho nhiều ý tưởng sáng tạo như dự án Trạm thu gom, xử lý rác quy trình khép kín Tống Văn Trân; xử lý than, tro bụi từ lò đốt rác thải nguy hại thành bê tông xây dựng; phân vi sinh từ rác thải thực phẩm…

Phụ nữ không bị cản trở mà còn được phát huy

Nhìn dáng người mảnh dẻ của nữ kỹ sư môi trường Lê Thị Thủy Tiên, ít ai nghĩ chị đang là Tổ trưởng Tổ Quản lý chất lượng môi trường có đến 13 thành viên mà trong đó chỉ có 2 nữ. Càng không thể tưởng tượng được vóc dáng ấy phải trèo lên mái nhà, chui vào ống khói để cùng anh em lấy mẫu quan trắc.

Tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên năm 2011, chị Thủy Tiên về làm việc cho một đơn vị tư vấn về môi trường. Đến năm 2014, chị đầu quân cho CITENCO và quyết định gắn bó lâu dài với đơn vị này, bởi như chị nói: “Dù là đơn vị nhà nước, nhưng CITENCO cho chúng tôi rất nhiều cơ hội để nghiên cứu, học tập và khẳng định mình. Đây là môi trường làm việc mà mỗi người nếu chịu dấn thân sẽ dễ dàng thích nghi. Ở đây, dù là nữ, bạn cũng không gặp cản ngại gì khi muốn dấn thân! Lãnh đạo và những đồng nghiệp đi trước luôn ưu ái, tạo cơ hội để phụ nữ khẳng định mình. Tất nhiên, họ luôn đặt chất lượng công việc lên hàng đầu. Tôi yêu quý môi trường làm việc như thế”.

Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của CITENCO có 17/50 thành viên là nữ, nhưng các tổ trưởng và một trong ba lãnh đạo phòng đều là nữ. Câu hỏi “tại sao?” được giải đáp bằng những thành quả các chị đã đóng góp vào các dự án, công trình nghiên cứu mà CITENCO từng được vinh danh. Họ không chỉ giỏi mà còn là những người dám nghĩ, dám làm.

Link bài báo: https://www.phunuonline.com.vn/tham-lang-gop-phan-giu-gin-moi-truong-thanh-pho-a1475536.html