DỰ ÁN “MẠNG LƯỚI ĐÔNG NAM Á-CHÂU ÂU ĐỂ XÂY DỰNG
NĂNG LỰC ĐÀO TẠO VÀ GIÁO DỤC TRONG TÁI CHẾ NHỰA Ở LÀO VÀ VIỆT NAM”
Thời gian: 2018-2021
Địa điểm: Việt Nam, Lào, Áo, Đức,…
Đơn vị hợp tác: Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna, Áo; Đại học Công nghệ Dresden, Đức; Đại học Aalborg, Đan Mạch; Đại học Quốc gia Lào; Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội; Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM; Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam; Công ty TNHH Da Giày 26/3; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Môi trường xanh (Lào).
Mục tiêu
Dự án “Quản lý và tái chế nhựa - Mạng lưới hợp tác Châu Âu - Đông Nam Á nhằm nâng cao khả năng đào tạo trong lĩnh vực tái chế nhựa tại Lào và Việt Nam, chú trọng chất lượng, an toàn, hiệu quả” (SEA-PLASTIC-EDU) nhằm cải thiện sự trao đổi giữa nghiên cứu và thực hành bằng cách thành lập các trung tâm đào tạo khu vực, đóng vai trò là trung tâm cung cấp kiến thức và cầu nối, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm giáo dục (và nâng cao năng lực tuyển dụng) ở cấp Đại học và phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) và hỗ trợ các doanh nghiệp một cách bền vững về tất cả các khía cạnh kỹ thuật, môi trường và xã hội trong lĩnh vực tái chế nhựa.
03 mục tiêu tổng quát của dự án: (1) Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa và nâng cao giáo dục đại học tại các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên bằng cách thiết lập khái niệm giáo dục về tái chế nhựa và quản lý chất thải. (2) Nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường và tinh thần kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp và cho cán bộ của các trường. (3) Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.
06 hoạt động chính của của dự án: (1) Hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có. (2) Thành lập hai trung tâm đào tạo qui mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa. (3)Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải. (4) Chương trình đào tạo giảng viên. (5) Đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo Thạc sỹ. (6) Nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.
Hoạt động
Ngày 22-25/5/2018, Họp nội bộ, Họp báo chính thức khởi động dự án SEA-PLASTIC-EDU và Hội thảo các bên liên quan diễn ra tại Đại học Khoa học – Tự nhiên Hà Nội tại Hà Nội, Việt Nam. Trong chương trình làm việc, đoàn chuyên gia đã tham quan thực tế hoạt động sản xuất sợi nhựa polyester tại Công ty Khải Thành, làng nghề Đông Mẫu, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 10-14/9/2018, Hội thảo chuẩn bị lần thứ 2 cho dự án được tổ chức tại Thủ đô Viên Chăn, Lào. Hội thảo có đại diện từ các đối tác dự án, giáo sư đại học, nhà nghiên cứu và sinh viên, các bộ và phương tiện truyền thông đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về quản lý chất thải nói chung cũng như cụ thể về các lĩnh vực tái chế nhựa.
Ngày 10-14/11/2018, Hội thảo chuẩn bị lần thứ 3 được tổ chức tại Viện Quản lý chất thải, Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống, Vienna, Áo. Tại hội thảo, các bên liên quan tham gia thảo luận và phát triển các đề cương, nội dung của các chương sách học thuật về tái chế nhựa, ở giai đoạn sau, các chương này sẽ được điều chỉnh và đưa vào chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại trường đại học ở Lào và Việt Nam.
Ngày 20-24/5/2019, Chương trình đào tạo cho đào tạo viên lần thứ nhất được tổ chức tại Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Mục tiêu chính của khóa đào tạo là giúp cho các đào tạo viên của các trường đại học từ Lào và Việt Nam thảo luận thêm và phát triển tài liệu giảng dạy theo nhu cầu phù hợp với bối cảnh địa phương. Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Hội thảo Kết nối mạng lưới tái chế nhựa nhằm nâng cao nhận thức cho cộng động và các bên liên quan đến tái chế nhựa được tổ chức tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM.
Ngày 02-05/12/2019, Chương trình đào tạo cho đào tạo viên lần thứ 2 được tổ chức tại Đại học Kỹ thuật Dresden, Dresden, Đức.
Ngày 14-30/9/2020, Chương trình đào tạo cho đào tạo viên lần thứ 4 được tổ chức trực tuyến nhằm đánh giá về nội dung đào tạo đã được xây dựng và phương pháp đào tạo.
Chiều ngày 19/01/2021, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã tham gia buổi lễ tổng kết dự án SEA-PLASTIC và giới thiệu Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tái chế và kiểm định nhựa tại Đại học Công nghiệp TP.HCM. Trong khuôn khổ buổi lễ, đại diện Công ty - đối tác của dự án, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng CNMT&KTCL đã phát biểu và trao đổi về các chương trình, hoạt động mà Công ty đã thực hiện cũng như tham gia đóng góp cho dự án. Kết thúc buổi lễ, các đại biểu, thành viên dự án tại TP.HCM và Hà Nội đã có dịp tham quan Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tái chế và kiểm định nhựa tại Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Để cập nhật thêm các thông tin về dự án, vui lòng liên hệ theo đường dẫn http://plastic-edu.com/en/home/
Hình ảnh buổi khởi động dự án quốc tế “QUẢN LÝ VÀ TÁI CHẾ NHỰA” ngày 23/5/2018
Bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó trưởng P.CNMT&KTCL (người thứ nhất từ phải qua) tham gia ký kết Thoả thuận hợp tác
nhằm nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực tái chế nhựa tại Việt Nam và Lào
PGS Tiến sĩ Stefan Salhofer, Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna, Viện quản lý chất thải,
Điều phối viên dự án trao đổi tại buổi họp báo
Bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó trưởng P.CNMT&KTCL trao đổi trong buổi họp báo
Đoàn tham quan thực tế tại cơ sở tái chế nhựa.